Rèn luyện, phát huy 3 chữ: Tâm, Tầm và Tài của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn hiện nay

06/12/2022 07:41:35AM
Màu chữ Cỡ chữ
Tư tưởng đạo đức, phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn tỏa sáng trong hành trình phát triển của nhân dân ta và nhân loại tiến bộ. Những lời dạy bảo ân cần của Người đến giờ vẫn còn nguyên giá trị và sẽ được lưu truyền mãi đến đời sau. Ngày trước, Người luôn quan tâm việc lựa chọn, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, đảng viên có Đức, có Tài nhằm phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân. Việc phấn đấu học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, trong đó trọng tâm là những phẩm chất (giá trị cốt lõi) của cán bộ, đảng viên cần tiếp tục rèn luyện, phát huy trong giai đoạn hiện nay là vấn đề có ý nghĩa đặc biệt quan trọng.

Giá trị cốt lõi của cán bộ, đảng viên được đề cập tới ở đây là ba chữ: “Tâm”, “Tầm” và “Tài”. Trong nội dung vấn đề này, về câu từ, chữ “Tâm”, gần nghĩa với chữ Đức, được hiểu là nhân tâm, là điều trọng tâm, cốt lõi, có nghĩa là sự thiện lương, tử tế, đạo đức, lương tri trong mỗi con người. Theo lời Bác dạy, người cán bộ đảng viên ngoài thực hiện tốt đạo đức công dân phải thấm nhuần đạo đức cách mạng, đó là cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư; giữ vững lập trường, quan điểm, nhận thức rõ đúng, sai; tận trung với nước, tận hiếu với dân. Tâm của cán bộ, đảng viên còn là lòng nhiệt tình, là những khát vọng hướng tới “chân, thiện, mỹ”, luôn cố gắng rèn luyện bản thân để hoàn thành nhiệm vụ được giao. Tâm còn thể hiện ở sự chuẩn mực về đạo đức lối sống, lề lối làm việc, thành thật, trung thực, không cơ hội, vụ lợi, biết hy sinh lợi ích cá nhân để phục tùng lợi ích tập thể, lợi ích của quốc gia, dân tộc; khiêm tốn học hỏi, thực sự cầu thị; có tinh thần đoàn kết, tương thân, tương ái lẫn nhau. Khi người cán bộ, đảng viên có Tâm trong sáng thì sẽ tự biết nên làm những việc có lợi cho Đảng, cho dân, biết tránh xa những thói hư tật xấu làm phương hại đến lợi ích của Đảng, quyền lợi chính đáng, hợp pháp của nhân dân như lời Bác Hồ kính yêu đã khuyên dạy: “điều gì có lợi cho Đảng, cho dân, dù nhỏ cũng phải làm; điều gì có hại cho Đảng, cho dân, dù nhỏ cũng phải tránh”.

 Trong giai đoạn hiện nay, chữ “Tâm” luôn phải đi đôi với chữ “Tầm”. “Tầm” có nghĩa là tầm cao, tầm vóc, tầm cỡ, tầm nhìn sâu rộng. Tầm của người cán bộ, đảng viên trước hết thể hiện ở trình độ, năng lực của họ trong thực hiện nhiệm vụ được phân công. Đó là khả năng nhìn xa, trông rộng, kỹ năng hoạt động thực tiễn, hiệu quả thực hiện các công việc được giao. Đối với cán bộ lãnh đạo, quản lý, ngoài có Tâm, nhất định phải có Tầm để hiểu rõ hiện tại, dự đoán được tương lai nhằm đưa ra những quyết sách đúng đắn, không vì cái lợi trước mắt mà làm cho lợi ích lâu dài bị mai một, kém hiệu quả.

Bên cạnh có Tâm, có Tầm thì cũng cần phải có Tài. Chữ “Tài” nghĩa là tài năng, năng lực chuyên môn, năng lực quản lý, vốn kiến thức, bản lĩnh, kinh nghiệm sống để cán bộ, đảng viên có thể hoàn thành công việc của mình một cách tốt nhất, đặc biệt là trong những tình huống, những hoàn cảnh khó khăn, phức tạp. Tài được thể hiện ở trình độ, năng lực chuyên môn nghiệp vụ, khả năng nhận thức đúng các quy luật, sáng tạo trong giải quyết công việc; luôn làm chủ được tri thức khoa học và có khả năng hiểu biết sâu rộng về các lĩnh vực, nhất là lĩnh vực chuyên môn được phân công phụ trách. Tài còn là khả năng hoạt động thực tiễn, kỹ năng và hiệu quả thực hiện các công việc được giao, có sự hiểu biết thấu đáo và thực hành thành thạo các công việc mà mình đảm nhiệm. Nếu không có Tài thì xử lý, giải quyết mọi vấn đề sẽ chậm hơn, đôi khi không mang lại được kết quả cao.

Nói chung, Tâm, Tầm và Tài có mối liên hệ mật thiết, là cơ sở, điều kiện, tiền đề của nhau, thúc đẩy lẫn nhau để hoàn thiện hình thành nhân cách người cán bộ cách mạng. Không có Tâm thì có Tầm và Tài chỉ trở nên tầm thường thấp kém, người được gọi là có “Tầm”, có “Tài” nhưng nếu vô Tâm thì họ không những là kẻ vô dụng mà còn là phá hoại, có hại cho xã hội, nhất là việc dùng Tầm, Tài để vun vén cho lợi ích cá nhân, bất chấp lợi ích của quốc gia, dân tộc, đi ngược lại với truyền thống, đạo lý như vụ án “Việt Á”, câu chuyện về “chuyến bay giải cứu” ở Bộ Ngoại giao, hàng loạt các sai phạm về đất đai, đầu tư công ở TP HCM và các tỉnh mà qua đó đã có rất nhiều cán bộ đảng viên có chức vụ cao đã vướng vào vòng lao lý bởi do tham nhũng, lợi ích nhóm, thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng,… Tất cả những điều đó là minh chứng của sự kém Tâm, thiếu Tầm và dùng Tài một cách vô trách nhiệm của những cán bộ, đảng viên có chức quyền, địa vị cao có liên quan. Qua đây có thể nói rằng: không có Tầm và Tài thì dù có Tâm cũng không thể làm nên được việc lớn, không giải quyết được những vấn đề khó khăn, phức tạp, nhất là ở tầm vĩ mô, không theo kịp tiến trình phát triển của xã hội thì cũng bất lợi cho đất nước, cho nhân dân. Có Tài mới phát huy được Tâm, làm cho Tâm càng cao, càng rộng lớn hơn. Không có Tài thì mọi lý tưởng, hoài bão, khát vọng tốt đẹp cũng khó trở thành hiện thực. Bác đã từng dạy chúng ta rằng, “người cán bộ có năng lực nhưng không có đạo đức, rơi vào chủ nghĩa cá nhân, tham nhũng thì năng lực đó không thể dùng được, thậm chí còn có hại cho Tổ quốc, cho nhân dân. Ngược lại, những người có đạo đức nhưng kém năng lực, tuy không có hại cho ai, nhưng chẳng giúp gì cho nước, cho dân”.

Từ những luận giải trên, có thể khẳng định rằng tâm, tầm, tài là những phẩm chất cần có mà mỗi cán bộ, đảng viên cần tích cực rèn luyện, phát huy, nhất là cán bộ công chức trong ngành kiểm tra đảng càng phải phát huy cao hơn nữa. Để thực hiện tốt công tác kiểm tra, giám sát, điều kiện tiên quyết đòi hỏi người cán bộ kiểm tra phải là người có bản lĩnh, năng lực, trí tuệ và phẩm chất đạo đức trong sáng - đó chính là cái Tâm, cái Tầm, cái Tài của người cán bộ kiểm tra.

Trong Ngành kiểm tra Đảng của tỉnh nói chung, ở tại cơ quan Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy nói riêng, 100% cán bộ công chức là đảng viên, tất cả đều có tư tưởng chính trị vững vàng, hết lòng phục vụ Đảng, phục vụ nhân dân, luôn hoàn thành tốt các nhiệm vụ do Điều lệ Đảng quy định và mọi công việc do cấp ủy giao, chuẩn mực về đạo đức, lối sống. Trong lãnh đạo, chỉ đạo và thực thực hiện công tác kiểm tra, giám sát, cán bộ, đảng viên luôn nỗ lực hết mình, cố gắng hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ, có tâm trong sáng, làm việc khách quan, trung thực, xem xét, đề xuất, xử lý nghiêm minh, đúng quy định những hành vi vi phạm của tổ chức đảng và đảng viên nhất là trong thẩm tra, xác minh, giải quyết khiếu nại kỷ luật đảng, xử lý vi phạm của cán bộ, đảng viên. Cán bộ công chức của ngành đã góp phần vào kết quả thực hiện nghị quyết Đại hội Đảng các cấp, xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền trong sạch, vững mạnh. Tuy nhiên, chất lượng đội ngũ cán bộ kiểm tra các cấp trong tỉnh chưa đồng đều; năng lực, bản lĩnh công tác của một số cán bộ công chức của ngành cũng chưa thể hiện rõ nét, còn e ngại, chưa mạnh dạn phát huy, đã có trường hợp cán bộ làm kiểm tra cấp cơ sở vi phạm đến mức phải xử lý kỷ luật. Thời gian tới cần tiếp tục chấn chỉnh, rèn luyện, trau dồi để nâng cao năng lực của bản thân cũng như vị trí, vai trò của cán bộ, công chức ngành kiểm tra đảng.

Để rèn luyện tâm, tầm, tài cho cán bộ, đảng viên nói chung và cán bộ, công chức ngành kiểm tra Đảng nói riêng, các cấp ủy, tổ chức đảng, người đứng đầu cấp ủy và cán bộ công chức cần quan tâm đến những vấn đề sau:

Một là, Tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh thực hiện có hiệu quả Kết luận số 01-KL/TW, ngày 18/5/2021 của Bộ Chính trị (khoá XIII) về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị “về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” gắn Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, XII), Kết luận số 21-KL/TW ngày 25/10/2021 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn đảng và hệ thống chính trị, kiên quyết đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” và các qui định của Đảng về nêu gương; thường xuyên quán triệt, tuyên truyền cho cán bộ, đảng viên và người lao động các chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước để cán bộ, đảng viên nhận thức được những nội dung cơ bản của các nghị quyết, chỉ thị, quy định và ý thức hơn trong việc nêu gương, tinh thần trách nhiệm trong thực hiện chức trách nhiệm vụ; lãnh đạo, chỉ đạo cán bộ, đảng viên trong cơ quan phải thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện phong cách Hồ Chí Minh, lấy đó là một trong những căn cứ để nhận xét, đánh giá khi đề bạt bổ nhiệm hoặc kiểm điểm, xếp loại đảng viên, cán bộ, công chức hằng năm.

Hai là, Cấp ủy, người đứng đầu cấp ủy phải gương mẫu, nêu gương trong lãnh đạo, quản lý, trong thực thi nhiệm vụ, công vụ, trong học tập, sinh hoạt, phải thể hiện được tư tưởng, bản lĩnh vững vàng, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm để làm gương cho cán bộ, đảng viên và nhân dân.

Ba là, Quan tâm, coi trọng việc phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, đề bạt kịp thời những cán bộ, đảng viên thật sự có tâm, đủ tầm, có tài năng trong quá trình làm việc và có những cống hiến thật sự cho Đảng, cho Nhân dân; chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ. Khi xem xét, đánh giá, bố trí, sử dụng cán bộ tuyệt đối không được chủ quan dựa trên vẻ hào nhoáng bề ngoài, những văn bằng, chứng chỉ được đào tạo mà phải kết hợp đánh giá toàn diện, đa chiều, dựa trên hiệu quả công việc. Tạo điều kiện và môi trường làm việc thuận lợi để cán bộ, đảng viên có cơ hội phát huy năng lực, sở trường của bản thân; đồng thời thường xuyên động viên, khuyến khích, cán bộ, đảng viên trong thực hiện nhiệm vụ, công vụ, nhất là những cán bộ năng động, sáng tạo, dám suy nghĩ và hành động vì lợi ích chung của tập thể và nhân dân.

Bốn là, Đối với bản thân mỗi cán bộ, đảng viên và đội ngũ cán bộ kiểm tra các cấp cần thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện, không ngừng học tập nâng cao trình độ chuyên môn, lý luận chính trị để có đủ Tâm, Tầm và Tài phù hợp với từng vị trí, nhiệm vụ công tác của mình, gắn với nhiệm vụ chính trị được giao để nâng cao chất lượng và hiệu quả giải quyết công việc, toàn tâm, toàn ý, không kêu ngạo khi thực hiện nhiệm vụ, góp phần xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy “cán bộ là cái gốc của mọi việc”, “công việc thành công hay thất bại đều do cán bộ tốt hay kém”. Nghị quyết Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ III (khóa VIII) về Chiến lược cán bộ trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước có nêu: “cán bộ là nhân tố quyết định đến sự thành bại của cách mạng gắn liền với vận mệnh của Đảng, của đất nước và chế độ, là khâu then chốt trong xây dựng Đảng”. Như vậy, đòi hỏi cấp ủy, chính quyền các cấp phải thường xuyên đặc biệt quan tâm đến công tác cán bộ và đội ngũ cán bộ, nhất là những cán bộ có đủ tâm, tầm, tài để phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân, góp phần vào sự phát triển bền vững của đất nước và phấn đấu vì bình yên, ấm no, hạnh phúc lâu dài của Nhân dân./.

Phòng TH - ĐT

 

 

Liên kết website