Nâng cao chất lượng, hiệu quả tham mưu trong công tác kiểm tra, giám sát

05/12/2022 04:10:40PM
Màu chữ Cỡ chữ
Công tác tham mưu có vị trí đặc biệt quan trọng trong sự phát triển của các cơ quan, tổ chức. Tham mưu là đưa ra những kiến nghị, đề xuất, đưa ra các ý tưởng sáng tạo có cơ sở khoa học, các sáng kiến, các phương án và các giải pháp hữu hiệu cho thủ trưởng cơ quan, đơn vị trong việc đặt ra và tổ chức thực hiện kế hoạch công tác hàng năm của cơ quan, đơn vị đạt kết quả cao nhất.

Những năm qua, Đảng và Nhà nước ta đã ban hành nhiều chủ trương, nghị quyết về công tác cán bộ. Theo đó, việc nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tham mưu, công tác chuyên môn nghiệp vụ là yêu cầu bắt buộc đối với cán bộ, đảng viên. Thực hiện các chủ trương, giải pháp của Đảng, đội ngũ cán bộ, đảng viên của tỉnh nói chung, cán bộ, đảng viên ngành Kiểm tra Đảng nói riêng đã được rèn luyện, thử thách và trưởng thành qua thực tiễn công tác; số lượng, chất lượng, cơ cấu có sự chuyển biến theo hướng tích cực; có bản lĩnh chính trị vững vàng, luôn có ý thức rèn luyện, giữ vững phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, gần gũi với nhân dân; thể hiện vai trò tiên phong, gương mẫu, nêu cao trách nhiệm, năng động, sáng tạo, nỗ lực phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ được giao,…

Tuy nhiên, công tác tham mưu, thực hiện một số nhiệm vụ của cơ quan ủy ban kiểm tra vẫn còn một số hạn chế nhất định như: một số nội dung tham mưu chậm; chất lượng văn bản tham mưu, báo cáo có lúc, có việc chưa đạt yêu cầu; cán bộ tham mưu còn hạn chế, lúng túng trong việc tham mưu nội dung kiểm tra, giám sát ở một số lĩnh vực công tác, trong việc tiếp cận với các văn bản, quy định pháp luật liên quan đến nội dung kiểm tra, giám sát. Nguyên nhân là do lĩnh vực kiểm tra, giám sát khá rộng; quy định của Đảng, Nhà nước trên các lĩnh vực khá nhiều; chuyên môn của cán bộ tham mưu đôi khi chưa phù hợp với công việc được giao; có khi đánh giá sự vụ, sự việc chưa toàn diện; việc nghiên cứu văn bản ở các lĩnh vực nhạy cảm như đất đai, xây dựng cũng còn hạn chế.

Để khắc phục những tồn tại, hạn chế và nâng cao chất lượng tham mưu nhất là về công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật của Đảng, thực hiện tốt các nhiệm vụ được phân công, lãnh đạo cơ quan, đơn vị cần phân tích, đánh giá cụ thể và phân công nhiệm vụ rõ ràng cho cán bộ thuộc quyền quản lý; đồng thời phân công nhiệm vụ cần quan tâm đến chuyên môn, sở trường của cán bộ tham mưu; kịp thời hướng dẫn chuyên môn nghiệp vụ cho cấp dưới; tập trung thời gian, thường xuyên nghiên cứu kỹ và cập nhật sự thay đổi của các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước nhất là các quy định về công tác kiểm tra, giám sát của Đảng để chủ động xử lý các công việc; thực hiện nhanh chóng, kịp thời việc xử lý các hồ sơ, văn bản, kiến nghị, đề xuất thuộc thẩm quyền. Các thành viên phòng nghiệp vụ khi được phân công nhiệm vụ theo lĩnh vực phụ trách, phải kiểm tra đầu mối công việc, liệt kê những công việc cần làm, các căn cứ làm cơ sở thực hiện; đồng thời chủ động phân bổ thời gian thực hiện, thời gian hoàn thành một cách hợp lý; khi thực hiện tham mưu cho lãnh đạo, phải nghiên cứu, nắm vững các căn cứ để làm cơ sở giải đáp, trả lời theo đúng quy định. Bên cạnh đó, cán bộ tham mưu cần không ngừng học tập để nâng cao trình độ, năng lực công tác, nắm chắc các cơ chế, chính sách, Điều lệ Đảng, các quy chế, quy định của Đảng và Nhà nước và vận dụng vào công việc được giao; kịp thời báo cáo, xin ý kiến lãnh đạo phòng hoặc lãnh đạo cơ quan về những công việc khó khăn không xử lý được để lãnh đạo biết và xử lý kịp thời nhằm tránh việc xử lý trễ hạn.

Bác đã từng dạy rằng “Cán bộ là cái gốc của mọi việc. Công việc thành hay bại đều do cán bộ tốt hay kém…”. Như vậy, cán bộ tham mưu có vị trí, vai trò rất quan trọng trong mỗi cơ quan, đơn vị. Trình độ, năng lực chuyên môn của người tham mưu có ý nghĩa quyết định hiệu quả các công việc. Do đó, cần tuyển chọn, bố trí, sắp xếp cho phù hợp, nhất là cán bộ công chức ngành kiểm tra Đảng.

Phòng Nghiệp vụ II

Liên kết website