Một số kinh nghiệm khi thẩm tra, xác minh trong công tác kiểm tra, giám sát của Đảng

08/11/2022 04:03:32PM
Màu chữ Cỡ chữ
Thẩm tra, xác minh trong công tác kiểm tra, giám sát của Đảng là các hoạt động thu thập, xem xét, tra cứu, thẩm định, đánh giá những thông tin, chứng cứ tài liệu đã thu thập được theo phương pháp công tác đảng để tìm ra sự thật, chỉ đúng bản chất các thông tin, chứng cứ. Kết quả và chất lượng của thẩm tra, xác minh ảnh hưởng trực tiếp đến quyết định cuối cùng của tổ chức đảng có thẩm quyền đối với nội dung và đối tượng kiểm tra, giám sát. Do vậy, trong quá trình thực hiện cần lưu ý những nội dung sau đây:

Thứ nhất, làm tốt việc thu thập thông tin, bằng chứng. Trước hết phải nghiên cứu sâu kỹ các hồ sơ, tài liệu hiện có; đánh giá tính khách quan, hợp lý, hợp pháp của tài liệu, xác định những thông tin, tài liệu có liên quan cần tiếp tục phải thu thập. Trên cơ sở đó đặt vấn đề với tổ chức đảng, với cơ quan, đơn vị hoặc cá nhân có liên quan yêu cầu cung cấp những thông tin, tài liệu, chứng cứ chính xác có liên quan đến nội dung kiểm tra, giám sát. Điều quan trọng là phải xác định rõ nên tiếp xúc, thu thập thông tin với đối tượng nào trước, đối tượng nào sau để thông tin, chứng cứ thu thập bảo đảm tính khách quan, trung thực. Qua tiếp xúc với đối tượng này, nếu phát hiện những tình tiết mới, cần làm sáng tỏ thì nên khẩn trương triển khai tiếp xúc với đối tượng có liên quan để làm rõ những nội dung cần xác minh.

Trước khi tiếp xúc với từng đối tượng, phải chuẩn bị thật chu đáo, xác định rõ những nội dung chính cần đi sâu tìm hiểu, thu thập bằng một số câu hỏi đặt ra với đối tượng. Câu hỏi phải rõ ràng, cụ thể, ngắn gọn, dễ hiểu, có cơ sở và có liên quan đến vấn đề cần xác minh. Trong câu hỏi tránh bao hàm câu trả lời, tránh lộ ý định, tránh làm đối tượng lo ngại. Câu hỏi phải theo trình tự hợp lý và đảm bảo sự liên hệ giữa câu hỏi trước với câu hỏi sau. Trong quá trình làm việc có thể xuất hiện những tình tiết mới phải đặt thêm câu hỏi để làm rõ. Tránh hỏi dồn dập, hỏi vặn cũng như không vội đồng tình hay phủ nhận nội dung trả lời của đối tượng. Để đối tượng trình bày khách quan, người thẩm tra, xác minh không được sử dụng những câu hỏi dẫn dắt đối tượng theo ý chí chủ quan của mình vì có thể sẽ làm sai lệch bản chất sự thật, khách quan dẫn đến kết luận thiếu chính xác, xử lý oan sai. Có thể tiếp xúc với mỗi đối tượng một lần hoặc một số lần, nhưng cố gắng tiếp xúc một lần mà thu thập được các thông tin, tài liệu, bằng chứng cần thiết để tránh gây phiền hà cho đối tượng.

Thứ hai, tìm hiểu, phân tích nắm bắt tâm lý của người có đơn tố cáo, các đối tượng cung cấp thông tin. Tâm lý phổ biến của những người tố cáo, khiếu kiện là thái độ mặc cảm, thậm chí là ác cảm với đối tượng bị tố cáo. Họ muốn và đòi tổ chức, đòi cấp trên phải tin mình, nghe mình và xem xét, kết luận xử lý theo ý của mình. Do tâm trạng mang nặng định kiến với người bị tố cáo, họ luôn tìm cách cường điệu hóa, quan trọng hóa thông tin từ nội dung, số liệu đến tính chất và cả từ ngữ, lời lẽ gay gắt, nặng nề. Những biểu hiện thường thấy là họ tìm cách bắt thông tin do mình đưa ra trở thành thông tin có từ nguồn gốc ở những cán bộ và cơ quan có trách nhiệm phát hiện, cung cấp hoặc đã được cơ quan thẩm quyền kiểm chứng, xác minh, khẳng định. Cũng có thể họ lắp ghép các nguồn gốc thông tin dư luận ở nhiều địa chỉ, nhiều thời điểm, không gian khác nhau rồi xâu chuỗi lại để trở thành hệ thống có lô-gíc, tạo bản chất giả và thổi phồng tính chất nghiêm trọng so với thực tế. Hoặc, họ tìm cách loan truyền thông tin cho nhiều người, nhiều nơi, nhiều cấp, càng nhiều càng tốt, nhằm tạo nên áp lực từ nhiều phía đối với người tiếp nhận, xử lý thông tin. Vì thế thẩm tra, xác minh cần tránh hai khuynh hướng: Một là, quá tin vào nội dung tố cáo, bị áp lực của tố cáo, dư luận chi phối làm mất khách quan, nảy sinh định kiến. Hai là, thấy nội dung tố cáo đã chuyển sang vu cáo, quá xa sự thật là đã bác bỏ ngay, phủ định tất cả, mà không bình tĩnh phân tích, sàng lọc, thẩm định để tìm ra sự thật.

Để khỏi rơi vào các khuynh hướng trên, cán bộ thẩm tra, xác minh phải lắng nghe sàng lọc tất cả mọi kênh, mọi nguồn. Đồng thời, cũng cần tìm hiểu một số khía cạnh tâm lý của đối tượng kiểm tra. Thông thường nhất là những đối tượng có biểu hiện tiêu cực, sai phạm đều có chung tâm lý: sợ kiểm tra, sợ trách nhiệm, sợ xử lý, sợ mất thể diện, sợ công khai sự thật. Mang tâm trạng đó nên đối tượng thường tìm cách giấu diếm, che chắn, đối phó. Họ thường theo dõi thái độ, mức độ kiên quyết, thông tin, bằng chứng của tập thể, của lãnh đạo và nhất là của cán bộ kiểm tra mà nhận khuyết điểm từ nhẹ đến nặng, từ ít đến nhiều. Có trường hợp tự nhận khuyết điểm này nhưng để che giấu, né tránh sai phạm nghiêm trọng khác, hoặc nhận khuyết điểm nhưng thực chất là để đổ trách nhiệm cho tập thể, cho người khác. Thậm chí, không ít trường hợp đối tượng kiểm tra dùng thủ đoạn tố cáo ngược để vu cáo cán bộ kiểm tra. Do đó cần phân biệt thái độ thực sự tự giác nhận khuyết điểm do động cơ nghiêm túc, cầu tiến bộ với những thủ đoạn che chắn, đối phó, lừa dối tổ chức, lừa dối kiểm tra. Cũng vì vậy mà thẩm tra, xác minh cũng cần có nghệ thuật tiếp cận các đối tượng, tiếp cận vụ việc, không phân tán mục tiêu, không dàn trải lực lượng mà nên chọn khâu thuận, người thuận giải quyết trước, khâu khó giải quyết sau, để đầu xuôi đuôi lọt, tạo đà tiếp tục đấu tranh với đối tượng.

Thứ ba, thực hiện đối thoại, đối chất. Đối thoại, đối chất sẽ đưa ra ánh sáng những vấn đề bị che đậy hoặc dàn dựng bởi động cơ không trong sáng hoặc phương pháp thiếu chuẩn xác của đối tượng và của cả các chủ thể kiểm tra. Đối thoại được tiến hành giữa hai bên hoặc nhiều bên, giữa các chủ thể kiểm tra với đối tượng kiểm tra; giữa những người cung cấp thông tin và những người chứng kiến thông tin hoặc đã được tiếp cận thông tin. Đối chất nhằm tập trung phân tích, sàng lọc công khai các nguồn thông tin từ dư luận, công luận, từ tố cáo, phản ảnh từ các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền cung cấp cho kiểm tra. Đối thoại và đối chất sẽ có tác dụng và sức mạnh như cuộc đấu lý và đấu trí công khai, dân chủ nên hoạt động thẩm tra, xác minh dễ kỹ lưỡng, rõ ràng và chính xác, góp phần quan trọng để kết luận kiểm tra đạt “tâm phục, khẩu phục”. Sức mạnh của đối chất còn có tác dụng chấn chỉnh kịp thời thái độ quanh co, ngoan cố đối với những đối tượng kiểm tra kém tự giác.

Việc tiến hành đối chất phải được chuẩn bị thật chu đáo, cẩn trọng. Phải xác định rõ mục đích, yêu cầu, nội dung đối chất; xác định cho tất cả các thành viên tham gia đối chất về động cơ trong sáng, thái độ vô tư, khách quan công tâm. Có biện pháp ngăn ngừa, chấn chỉnh các biểu hiện kém ý thức tổ chức, trái nguyên tắc và trái phương pháp công tác đảng. Cán bộ chủ trì phải có bản lĩnh vững vàng, có trình độ tư duy pháp lý, có phương pháp điều khiển, nắm chắc vấn đề, hiểu biết tâm lý các đối tượng, biết khơi gợi ý kiến, hướng nội dung vào trọng tâm, biết làm trọng tài khi nảy sinh các tình huống gay cấn, tế nhị, phức tạp; biết kết luận và kết thúc đối chất đúng lúc, đúng thời điểm. Nếu được vậy sẽ đem lại hiệu quả thẩm tra, xác minh tốt nhất.

Thứ tư, thu thập, sàng lọc thông tin qua công luận và dư luận xã hội. Trong tình hình hiện nay, việc tìm chứng lý thông qua công luận và dư luận là rất quan trọng. Công luận và dư luận xã hội có tác dụng khá lớn đối với thẩm tra, xác minh của Đảng, nhất là trên các phương tiện thông tin đại chúng. Hoạt động thẩm tra, xác minh cần theo dõi chặt, nắm bắt các thông tin của dư luận, nhất là từ các báo đài, sẽ giúp phát hiện ra các đầu mối có liên quan đến chứng cứ, chứng lý. Công luận còn có tác dụng mạnh đến việc cảnh báo và cưỡng bức, làm chuyển biến tâm lý nhận thức đối với các đối tượng nhất là những đối tượng suy thoái đạo đức phẩm chất và cả các chủ thể kiểm tra.

Tuy nhiên, cần lưu ý dư luận xã hội mới chỉ là tin đồn, loan truyền không có tác giả, không rõ nguồn gốc và không có địa chỉ cụ thể. Nếu để sức ép của dư luận chi phối thì thẩm tra, xác minh không những bị lệch chuẩn, không tìm ra sự thật mà thậm chí còn bị lái mục tiêu của kiểm tra đi đến phản sự thật. Đã có không ít sự việc từng xảy ra như cùng một sự kiện nhưng được công luận phản ảnh, phân tích khác nhau thậm chí trái ngược nhau, thông qua lăng kính chủ quan, trình độ của tác giả. Do đó, việc đi sâu nắm bắt, nghiên cứu, sàng lọc thông tin và không để bị sức ép của thông tin trên các phương tiện truyền thông đại chúng chi phối, để tìm ra chứng lý kiểm tra là một hoạt động rất quan trọng và rất cần thiết.

Thứ năm, lấy tự phê bình và phê bình làm biện pháp chính yếu. Tự phê bình và phê bình trong thẩm tra, xác minh phải luôn gắn lý với tình, gắn phê bình với đấu tranh, phân tích làm chuyển biến nhận thức, nâng cao dần tính tự giác của người được phê bình cũng như của tập thể và tổ chức, từ thấp đến cao, từ chưa mạnh dạn đến mạnh dạn, từ chưa triệt để đến triệt để. Thông qua sự chuyển biến về thái độ và cấp độ của tự phê bình như: tự giác hay đối phó, che chắn; trung thực nghiêm túc hay dối trá, xuê xoa, xu nịnh, định kiến, … chủ thể kiểm tra có thể xem đó là những yếu tố bộc lộ giúp ích rất nhiều cho việc tìm ra chứng lý của thẩm tra, xác minh.

Quá trình tiến hành tự phê bình và phê bình trong thẩm tra, xác minh cũng là quá trình góp phần xây dựng môi trường chính trị lành mạnh trong tổ chức đảng. Vì thế, yêu cầu quan trọng của tự phê bình và phê bình là phải tuân theo nguyên tắc tập trung dân chủ, phát động và khơi dậy tình đồng chí, tính trung thực, khách quan, nhìn thẳng vào sự thật để đánh giá đúng mình, đúng đồng chí với thái độ công tâm, với ý thức xây dựng, với tấm lòng nhân ái, độ lượng nhằm tăng cường đoàn kết thống nhất trong Đảng. Mặt khác, phải tránh khuynh hướng phê bình không tập trung đi vào những vấn đề bản chất, cốt lõi về tư tưởng chính trị, về đạo đức, phẩm chất mà chỉ nói chung chung, miên man hoặc sa vào vụn vặt. Cũng rất cần tránh khuynh hướng thái quá, hễ thấy có khuyết điểm là quy chụp, cường điệu thành quan điểm chính trị, thoái hoá biến chất một cách cực đoan. Ngăn chặn, uốn nắn tư tưởng nể nang ngại nói thẳng, nói thật, thu mình vào trong cái vỏ dĩ hoà vi quý. Chú ý phát hiện, triệt tiêu các biểu hiện cơ hội, xu nịnh, cố chấp, lợi dụng phê bình để tâng bốc người này, quy kết, đả kích, hạ bệ người kia, tạo phe cánh, làm phức tạp nội bộ.

Hoạt động thẩm tra, xác minh lấy tự phê bình và phê bình làm biện pháp chính, nhưng không phải là biện pháp duy nhất. Để tự phê bình và phê bình thực sự đạt kết quả thì phải có biện pháp hữu hiệu tác động mạnh mẽ và đồng bộ vào 4 khâu: Một là, người tự phê bình phải nghiêm túc tự giác; hai là, người phê bình phải thẳng thắn, trung thực; ba là, khí thế đấu tranh của tập thể phải mạnh mẽ, chân tình; bốn là, người đứng đầu tổ chức và lãnh đạo cấp trên phải nghiêm khắc và công minh. Làm chuyển biến đồng bộ cả 4 khâu nói trên, không chỉ có tác động đến hiệu quả của phê bình mà còn tác động quyết định đến kết quả của thẩm tra, xác minh trong công tác kiểm tra, giám sát của Đảng.

Thứ sáu, thực hiện phương pháp phân tích biện chứng. Những thông tin, bằng chứng đã thu thập cần được nghiên cứu, phân tích, đánh giá lại tính khách quan, xác thực, hợp pháp, hợp lý của chúng. Trên cơ sở đó, bằng phương pháp phân tích, so sánh, đối chiếu, quy nạp với quan điểm lịch sử, cụ thể và bằng kiến thức, kinh nghiệm công tác, kinh nghiệm sống, sự tinh tế, nhạy cảm của mình, cán bộ kiểm tra phải lật đi, lật lại vấn đề, đặt các giả thuyết và sử dụng những thông tin, tài liệu, bằng chứng đã thu thập được để chứng minh, khẳng định hoặc bác bỏ giả thuyết, loại dần những giả thuyết không hợp lý để cuối cùng có một kết luận đúng với sự thật.

Sự thật là mục tiêu, cốt lõi của hoạt động thẩm tra, xác minh, song sự thật không thể hiện ra bên ngoài một cách tròn trịa, giản đơn, mà thường ẩn nấp dưới nhiều góc cạnh khác nhau. Quá trình tìm đến sự thật là cả một quá trình từ cái cụ thể chi tiết đến tổng hợp, đi từ hình thức bên ngoài để tìm đến cái bản chất bên trong. Đi từ một mặt, một phần đến nhiều mặt, nhiều phần để đến toàn diện. Chỉ có thể tiếp cận được bản chất và toàn phần sự thật thì mới là sự thật. Nếu chỉ tiếp cận với một nửa sự thật mà đã kết luận, khẳng định thì đó có thể là xuyên tạc sự thật, thậm chí là phản sự thật. Hoạt động thẩm tra, xác minh của Đảng rất coi trọng “án tại hồ sơ”. Mọi hành vi lỗi phạm, khuyết điểm của các đối tượng kiểm tra phải được thể hiện rõ ràng cụ thể trên hồ sơ, không thể hiện đầy đủ chính xác thì không được kết luận, xử lý. Tuy nhiên, phải thấy ở một mặt khác, là tầm quan trọng, quyết định của “án” là ở sự thật chứ không phải ở hồ sơ. Bởi sự thật chỉ có một, còn hồ sơ có thể hàng trăm, có cả hồ sơ giả, hồ sơ xuyên tạc sự thật.

Trong khâu thẩm tra, xác minh vừa tập trung tìm ra các yếu tố, chứng cứ buộc tội; đồng thời, không xem nhẹ việc tìm ra các chứng cứ gỡ tội và cả những tình tiết tăng nặng hoặc giảm nhẹ đối với những hành vi lỗi phạm của đối tượng kiểm tra. Trong quá trình thẩm tra, xác minh vừa coi trọng các cơ sở, căn cứ mang tính khẳng định vừa rất quan tâm đến các căn cứ, cơ sở mang tính phản biện, phủ định. Phải xoay lật các mặt, các khía cạnh góc độ và cấp độ của vấn đề thì mới khách quan, toàn diện tránh được chủ quan phiến diện. Hoạt động thẩm tra, xác minh đương nhiên phải coi trọng ý kiến của số đông, khi cần biểu quyết phải phục tùng ý kiến đa số. Song, không tuyệt đối hóa số đông, không phải bất cứ mọi trường hợp chân lý, sự thật đều thuộc về đa số. Do đó, thẩm tra, xác minh đặc biệt lưu ý đến những ý kiến bảo lưu, những ý kiến trái chiều.

Trong khâu thẩm tra, xác minh, cán bộ kiểm tra cần từng bước cung cấp cho đối tượng và các chủ thể kiểm tra khác về các thông tin, tư liệu, sự việc đã nắm, đã biết, đã thu nhận được để các thành viên tham gia thẩm tra, xác minh có cơ sở, điều kiện phân tích, mổ xẻ, đối chiếu, sàng lọc mà đi đến khẳng định hoặc phủ định. Đặc biệt, nên chú ý xem xét từ các biểu hiện hình thức bên ngoài của hành vi để đi tìm đúng bản chất. Có thể từ những vi phạm, tiêu cực nhỏ sẽ tìm ra sai phạm lớn, nghiêm trọng. Từ trong quá khứ có thể minh chứng cho tính hệ thống. Tất cả đều xuất phát từ hành vi, lấy hành vi làm xuất phát điểm để xem xét, không câu nệ quá mức ở thái độ hoặc phát ngôn. Trong cùng một hành vi, một động thái cụ thể như nhau, nhưng phân tích toàn diện, sâu sát sẽ tìm ra bản chất hoặc cấp độ khác nhau. Do đó, nếu máy móc chỉ dựa hoàn toàn vào hành vi, hoạt động cụ thể mà không đi sâu đến ý thức, động cơ thì thẩm tra, xác minh sẽ vấp phải sai lầm không tránh khỏi.

Nói tóm lại, hoạt động thẩm tra, xác minh là một khâu trọng yếu trong nhiệm vụ kiểm tra, giám sát của Đảng nhưng hoàn toàn không phải là một khâu khép kín riêng biệt, càng không phải là một khâu duy nhất, mà là một khâu liên hoàn, gắn kết với nhiều khâu, nhiều tác động khác, xuyên suốt từ lúc bắt đầu đến khi kết thúc hoạt động kiểm tra. Để hoạt động thẩm tra, xác minh đạt kết quả tốt đòi hỏi cán bộ kiểm tra phải có tinh thần trách nhiệm cao, có bản lĩnh chính trị vững vàng, trung thực, khách quan, tôn trọng sự thật; có nghiệp vụ chuyên sâu, có kiến thức nhiều mặt, nắm chắc phương pháp công tác Đảng; có tác phong làm việc tỉ mỉ, cụ thể, thận trọng, có phương pháp công tác khoa học. Để có được những điều đó, người cán bộ kiểm tra phải tự giác và thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện về mọi mặt. Không làm bất cứ điều gì khuất tất, mọi hành động phải trong sáng, rõ ràng, minh bạch. Đặt biệt, phải không ngừng tự học tập để nâng cao trình độ, kiến thức các mặt của xã hội, nâng cao trình độ nhạy bén chính trị và giác quan nhạy cảm, tinh tế với thực tiễn cuộc sống đời thường. Tất cả sẽ cộng hưởng tạo nên phẩm chất tốt và năng lực giỏi của người cán bộ trực tiếp tiến hành hoạt động thẩm tra, xác minh./.

(nguồn: Trang TTĐT, TCKT UBKT TW)

Cẩm Nhan (ST và TH)

 

Liên kết website