Những yêu cầu đối với cán bộ kiểm tra hiện nay
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh thường căn dặn “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc, muôn việc thành công hoặc thất bại đều do cán bộ tốt hoặc kém”. Người cũng từng nói “khi đã có chính sách đúng thì sự thành công hoặc thất bại của chính sách đó là do nơi cách tổ chức công việc, nơi lựa chọn cán bộ và do nơi kiểm tra. Nếu ba điều ấy sơ sài, thì chính sách đúng mấy cũng vô ích”. Trong suốt quá trình lãnh đạo, Đảng ta luôn chú trọng công tác cán bộ; chăm lo xây dựng, đào tạo đội ngũ cán bộ có đức, có tài, xứng đáng là người lãnh đạo, người đầy tớ trung thành của Nhân dân.
Trong công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật đảng, chất lượng cán bộ kiểm tra bao gồm hai yêu cầu cơ bản là bản lĩnh chính trị và trình độ năng lực công tác. Bản lĩnh chính trị luôn được đặt lên hàng đầu và là tiêu chuẩn quan trọng trong mỗi cán bộ kiểm tra. Tuy nhiên, nếu chỉ dừng ở bản lĩnh chính trị thì chưa đủ; để đáp ứng nhiệm vụ kiểm tra, giám sát của Đảng trong tình hình hiện nay, cần phải đặc biệt chú ý tới trình độ, năng lực công tác của cán bộ kiểm tra, đó là: phải toàn diện, vừa rộng, vừa sâu; phải giỏi về chuyên môn, có hiểu biết về những kiến thức cơ bản liên quan tới công tác kiểm tra, giám sát của Đảng, công tác xây dựng Đảng; nắm vững về pháp luật và quản lý Nhà nước, quản lý kinh tế, xã hội; có khả năng nắm bắt thông tin, các quy luật kinh tế, xã hội; biết vận dụng lý luận vào thực tiễn công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng.
Về bản lĩnh chính trị, người cán bộ kiểm tra phải: Có bản lĩnh chính trị vững vàng, tuyệt đối trung thành với mục tiêu, lý tưởng của Đảng và chế độ, kiên định đường lối đổi mới và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội, đặt lợi ích của Đảng, của dân tộc lên trên lợi ích cá nhân; Không hoang mang, dao động và kiên quyết đấu tranh trước những luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch, đoàn kết, trung thực, liêm khiết, kỷ cương và tận tụy trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ là góp phần bảo vệ và xây dựng Đảng; Hiểu rõ các nguyên tắc và phương pháp trong thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát. Thẳng thắn, dũng cảm đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân, cơ hội, cục bộ, bè phái, quan liêu, tham nhũng tiêu cực, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, vi phạm nguyên tắc tự phê bình và phê bình, những biểu hiện tiêu cực khác,… Trong thực hiện nhiệm vụ, phải thể hiện dũng khí và có chính kiến rõ ràng, dũng cảm bảo vệ cái đúng, kiên quyết đấu tranh chống cái sai, mạnh dạn đề nghị xử lý kỷ luật những đảng viên, tổ chức đảng vi phạm, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao dù có gặp khó khăn, cản trở, áp lực trong công việc. Giữ vững chính khí của mình, tinh thần khẳng khái, tác phong chính trực, thái độ đúng mực, không xuề xòa, dễ dãi, đơn giản, xa rời nguyên tắc của Đảng khi giải quyết công việc.
Về trình độ, năng lực công tác: người cán bộ kiểm tra phải am hiểu về công tác xây dựng Đảng, nắm vững những quan điểm, nguyên tắc về xây dựng Đảng, về Cương lĩnh chính trị, Điều lệ Đảng, về phương hướng, nhiệm vụ của các tổ chức cơ sở đảng; nắm vững chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của UBKT và thành thạo nghiệp vụ công tác kiểm tra, giám sát; biết rút kinh nghiệm để nâng cao nhận thức và năng lực thực tiễn, từ đó đề xuất, đóng góp vào sự chỉ đạo và tổ chức thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát. Ở mỗi vị trí công tác có những đòi hỏi về trình độ, năng lực của cán bộ khác nhau. Vì vậy, đòi hỏi cán bộ kiểm tra phải có kiến thức cần thiết đủ để xem xét, đánh giá, kết luận các sự việc trong quá trình kiểm tra, giám sát. Với cán bộ chuyên môn thì đòi hỏi có trình độ, năng lực, nắm vững các chủ trương, tư tưởng chỉ đạo, phương pháp, hình thức của công tác kiểm tra, giám sát, biết tổ chức và kết hợp các lực lượng trong hệ thống chính trị và phải có kiến thức chuyên ngành nhất định để phục vụ cho công việc của mình. Với cương vị lãnh đạo, quản lý thì đòi hỏi phải cao hơn, sâu sắc và vững vàng hơn cán bộ chuyên môn, có kiến thức, năng lực cần thiết về quản lý, tổ chức thực hiện, có khả năng đoàn kết, quy tụ cán bộ, thuần thục về công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng, có năng lực thẩm định, phân tích, tổng hợp cao, có tư duy khoa học trước các sự kiện xảy ra để từ đó có những kết luận chính xác phục vụ thiết thực cho việc lãnh đạo công tác kiểm tra, giám sát.
Để nâng cao chất lượng cán bộ kiểm tra, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ công tác kiểm tra, giám sát của Đảng trong tình hình mới, mỗi cán bộ kiểm tra cần làm tốt các vấn đề chính như sau:
Thứ nhất, phải tích cực tự giác học tập và làm theo tấm gương đạo đức, phong cách của Bác, gương mẫu, đi đầu trong việc cụ thể hóa về học tập và làm theo. Người cán bộ kiểm tra phải xây dựng được lề lối, phương pháp làm việc khoa học, có chương trình, kế hoạch cụ thể; thường xuyên thực hiện tự phê bình và phê bình trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao; tôn trọng nguyên tắc tập trung dân chủ, tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách. Luôn giữ mối liên hệ với quần chúng; lắng nghe ý kiến từ nhân dân, nhất là ý kiến phản ánh, nhận xét về tổ chức đảng, về cán bộ, đảng viên; làm việc nhiệt tình, có trách nhiệm cao, năng động, sáng tạo, nói đi đôi với làm, phải sâu sát cơ sở, biết dựa vào quần chúng,…
Thứ hai, cán bộ kiểm tra phải tự tu dưỡng, rèn luyện, không ngừng học tập để nâng cao trình độ năng lực công tác. Mỗi cán bộ kiểm tra phải tự đánh giá mình và căn cứ vào tiêu chuẩn cán bộ, kết quả thực hiện nhiệm vụ, kết quả thực hiện nhiệm vụ trong từng thời gian để tự tu dưỡng, rèn luyện, phát huy ưu điểm, khắc phục những hạn chế của bản thân, luôn phấn đấu để hoàn thành tốt chức trách nhiệm vụ được giao. Hiện nay, trong điều kiện phát triển của khoa học công nghệ 4.0 và bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, mỗi cán bộ kiểm tra phải không ngừng học tập để cập nhật, bổ sung những thông tin, kiến thức mới thì thì mới có thể đảm đương, hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Thứ ba, làm đúng chức trách, nhiệm vụ được giao. Công tác kiểm tra, giám sát là công việc tương đối khó, nhạy cảm, dễ va chạm vì liên quan đến tổ chức và con người. Để hoàn thành tốt nhiệm vụ mà Đảng và Nhân dân giao phó, cán bộ làm công tác kiểm tra phải thật sự công tâm, khách quan, bản lĩnh, không nể nang, né tránh, sẵn sàng đương đầu với mọi khó khăn, thách thức, nhất là trong thực hiện nhiệm vụ kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm, giải quyết tố cáo đối với cấp ủy viên, đảng viên là cán bộ lãnh đạo, quản lý, về hành vi tha hóa quyền lực, chạy chức, chạy quyền, tiêu cực, tham nhũng, “lợi ích nhóm”,…
Nói tóm lại, cán bộ là nhân tố quyết định sự thành bại của cách mạng, gắn liền với vận mệnh của Đảng, của đất nước và chế độ, là khâu then chốt trong công tác xây dựng Đảng. Ủy ban kiểm tra và đội ngũ cán bộ kiểm tra các cấp phải có đủ phẩm chất, năng lực, trí tuệ, tinh thông nghiệp vụ, am hiểu nhiều lĩnh vực, có uy tín và tinh thần trách nhiệm, quyết tâm cao để góp phần xây dựng Đảng trong sạch vững mạnh, hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được giao.
Cẩm Nhan – UBKT TU
(Tổng hợp từ TCKT)
Tin khác
- Giải pháp góp phần nâng cao chất lượng thực hiện công tác kiểm tra, giám sát trên địa bàn Thị xã Kiến Tường
- Điểm mới về kỷ luật tổ chức đảng và đảng viên vi phạm
- Tự hào 74 năm Ngày truyền thống Ngành Kiểm tra Đảng
- Những yêu cầu đối với cán bộ kiểm tra hiện nay
- Phát hiện, xử lý các hành vi tiêu cực của cán bộ, đảng viên qua công tác kiểm tra của Đảng