Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về “Đời sống mới” trong công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật đảng
Sau Cách mạng Tháng Tám thành công, nhằm giáo dục cho cán bộ, nhân dân nếp sống mới, yêu nước, cần kiệm liêm chính, đồng thời bài trừ các hủ tục, tập quán lạc hậu cũng như các thói hư tật xấu, tháng 3 năm 1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết và cho công bố quyển sách “Đời sống mới” với bút danh là Tân Sinh để chỉ đạo và động viên phong trào thời đó. Ngày nay, tác phẩm ấy của Người vẫn còn nguyên giá trị đối với sự nghiệp công nghiệp hóa – hiện đại hóa đất nước, xây dựng, chỉnh đốn đảng và bảo vệ, phát triển đất nước.
Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, thực hành đời sống mới là Cần, Kiệm, Liêm, Chính. Người giải thích: "Quân đội phải siêng tập, siêng đánh. Nhân dân tăng gia sản xuất, phải siêng làm, thì kháng chiến chắc chắn thắng lợi, thế cho nên phải Cần. Binh sĩ phải tiết kiệm đạn dược, mỗi viên đạn một tên thù. Cho nên phải Kiệm. Mọi người đều trong sạch, không tham lam, không đem của công dùng vào việc tư, thì mọi việc mới chạy. Cho nên ai cũng phải Liêm. Mỗi người quốc dân đều phải vì nước quên nhà, hăng hái ủng hộ kháng chiến, ra sức tăng gia sản xuất, trừ diệt bọn bán nước hại dân, quyết làm cho Tổ quốc thống nhất độc lập. Thế là Chính”. Người cũng giải thích rằng, đạo đức mới không phải là gạt bỏ mọi cái cũ mà phải phát huy những tinh hoa về truyền thống yêu nước, cần cù lao động, đoàn kết chống giặc ngoại xâm, tương thân, tương ái, lá lành đùm lá rách,... Người viết: "Đời sống mới không phải cái gì cũ cũng bỏ hết, không phải cái gì cũng làm mới. Cái gì cũ mà xấu, thì phải bỏ... Cái gì cũ mà không xấu, nhưng phiền phức thì phải sửa đổi lại cho hợp lý... Cái gì cũ mà tốt, thì phải phát triển thêm... Cái gì mới mà hay, thì ta phải làm... Làm thế nào cho đời sống của dân ta, vật chất được đầy đủ hơn, tinh thần được vui mạnh hơn. Đó là mục đích của đời sống mới". Đối với mỗi người, việc gì có lợi cho Nước phải ra sức làm, việc gì hại cho Nước phải hết sức tránh; bất cứ việc to, việc nhỏ, có ích chung thì phải hăng hái làm. Chúng ta phải yêu Tổ quốc, quan tâm đến lợi ích chung, không kiêu căng, không nịnh hót, không tham lam, không bủn xỉn. Phải ham học, một người không biết chữ, biết tính thì như nửa mù nửa sáng, biết rồi thì học thêm nữa. Về hành động để thực hành đời sống mới không ngoài năm việc là ăn, mặc, ở, đi lại, làm. Đời sống mới không tách rời tăng gia sản xuất. Thực hành đời sống mới là công việc của mọi người dân, bắt đầu từ cội nguồn là mỗi người, gia đình, làng, xã: "Do nhiều người nhóm lại mà thành Làng, do nhiều Làng nhóm lại mà thành Nước. Nếu người này cũng xấu, người kia cũng xấu, thì thành Làng xấu, Nước hèn; nếu mỗi người cá nhân tốt, thì Làng tốt, Nước mạnh. Người là gốc của Làng, Nước, nếu mỗi người cố gắng làm đúng đời sống mới thì Dân tộc nhất định phú cường".
Trong những năm tới, trước yêu cầu, nhiệm vụ nặng nề của thời kỳ phát triển mới đòi hỏi phải đẩy mạnh hơn nữa công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên. Vì thế, yêu cầu, nhiệm vụ cấp thiết đặt ra đối với công tác kiểm tra, giám sát là phải quán triệt sâu sắc tư tưởng của Bác và Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng về công tác kiểm tra, giám sát, bảo đảm góp phần xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, củng cố vững chắc niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước. Vận dụng tư tưởng về “Đời sống mới” của Chủ tịch Hồ Chí Minh, căn cứ chỉ đạo và hướng dẫn của Ủy ban kiểm tra Trung ương, cấp ủy và ủy ban kiểm tra các cấp trong tỉnh sẽ tập trung thực hiện một số vấn đề cơ bản như sau:
Một là, đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu cấp ủy về công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật của Đảng; vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, người đứng đầu cấp ủy; giáo dục về tầm quan trọng của công tác kiểm tra, giám sát; nắm vững quy chế, quy trình, chức năng, nội dung, nhiệm vụ của ủy ban kiểm tra; xác định công tác kiểm tra, giám sát là nhiệm vụ trực tiếp và thường xuyên của các tổ chức đảng, trước hết là các cấp ủy Đảng. Đây là công việc khó khăn, phức tạp, đòi hỏi tổ chức đảng, đảng viên phải có bản lĩnh chính trị vững vàng, quyết tâm chính trị cao, lòng nhiệt tình, tâm trong sáng và phải xây dựng chương trình, kế hoạch thực hiện sát, đúng với tình hình thực tế tại địa phương. Từ đó, tạo chuyển biến tích cực về nhận thức, trách nhiệm, không ngừng nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát.
Hai là, tiếp tục rà soát, bổ sung, hoàn thiện các văn bản về công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật Đảng theo chỉ đạo, hướng dẫn của Trung ương. Đây là vấn đề quan trọng, đảm bảo cho công tác kiểm tra, giám sát phát huy tốt hiệu lực, hiệu quả trong hoạt động thực tiễn, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng Đảng hiện nay. Việc giải quyết đơn thư tố cáo, khiếu nại kỷ luật đảng cần đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ theo đúng quy định của Điều lệ Đảng, hướng dẫn của Ủy ban Kiểm tra Trung ương. Cấp ủy phải vừa là người lãnh đạo, vừa là người trực tiếp thực hiện, không khoán trắng cho ủy ban kiểm tra. Đồng thời, phải chủ động, tích cực lãnh đạo, chỉ đạo, đánh giá, rút kinh nghiệm; quy định rõ trách nhiệm của cấp ủy và tự kiểm tra, giám sát của mỗi cấp ủy viên,…
Ba là, đổi mới, nâng cao chất lượng công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật của Đảng. Công tác kiểm tra, giám sát cần bám sát phương châm: kiểm tra tập trung, giám sát mở rộng và trong quá trình thực hiện cần phát huy vai trò của ủy ban kiểm tra các cấp. Ủy ban kiểm tra phải thực hiện đúng chức năng tham mưu giúp cấp ủy theo quy định; thực hiện nền nếp chương trình, kế hoạch kiểm tra, giám sát hàng năm, nhất là đối với tổ chức đảng cấp dưới trực tiếp, cấp ủy viên cùng cấp, cán bộ thuộc diện quản lý của cấp ủy cùng cấp. Nội dung kiểm tra, giám sát phải có trọng tâm, trọng điểm, trước hết là lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị, nguyên tắc tập trung dân chủ, quy chế làm việc và triển khai các nhóm giải pháp thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, khóa XII) gắn với thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị. Chú trọng kiểm tra, giám sát những tổ chức đảng có biểu hiện mất đoàn kết nội bộ; những nơi có dư luận xấu, khiếu kiện kéo dài; những lĩnh vực nhạy cảm dễ phát sinh tiêu cực như tài chính, đất đai, xây dựng,… Coi trọng kiểm tra, giám sát việc khắc phục thiếu sót, khuyết điểm và chất lượng thực hiện nhiệm vụ; những đảng viên có biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Ủy ban kiểm tra cấp trên tăng cường hướng dẫn cấp ủy, tổ chức đảng, ủy ban kiểm tra cấp dưới; nâng cao hiệu quả phối hợp kiểm tra, giám sát của Đảng với công tác thanh tra, điều tra, kiểm soát của các cơ quan chức năng. Việc xem xét, xử lý kỷ luật đối với đảng viên, tổ chức đảng bảo đảm chặt chẽ, công minh, chính xác; giải quyết đơn thư tố cáo, khiếu nại kịp thời, đúng quy trình và thẩm quyền, “thấu tình, đạt lý”, không để đơn thư tố cáo, khiếu nại vượt cấp và vụ việc kéo dài, gây phức tạp nội bộ.
Bốn là, thường xuyên kiện toàn tổ chức bộ máy cơ quan ủy ban kiểm tra, đội ngũ cán bộ kiểm tra các cấp bảo đảm tương xứng với chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao. Cần chú trọng kiện toàn ủy ban kiểm tra và đội ngũ cán bộ kiểm tra có đủ số lượng, chất lượng, cơ cấu phù hợp theo đúng hướng dẫn của cấp trên. Xem trọng việc lựa chọn, bồi dưỡng, luân chuyển, nâng cao bản lĩnh chính trị, năng lực chuyên môn nghiệp vụ, phẩm chất đạo đức, phương pháp, tác phong công tác của đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác kiểm tra, giám sát. Đầu tư cơ sở vật chất, kỹ thuật, phương tiện làm việc cho ủy ban kiểm tra và cơ quan ủy ban kiểm tra, cũng như nâng cao đời sống của đội ngũ cán bộ, công chức ngành kiểm tra Đảng.
Học tập và làm theo tư tưởng của Bác về công tác kiểm tra, giám sát sẽ là cơ sở quan trọng để nâng cao chất lượng của công tác này, góp phần khắc phục yếu kém, khuyết điểm, xây dựng Đảng vững mạnh cả về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức, ngang tầm yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới. Tập trung nghiên cứu kỹ các vấn đề đạo đức cách mạng của người cán bộ theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, đây được xem là nền tảng, tiền đề và là cơ sở để người cán bộ, đảng viên phát huy tài năng, trí tuệ, hoàn thành thắng lợi các nhiệm vụ cách mạng; về tiêu chí đạo đức của người cán bộ cách mạng “Cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư”; về vai trò của đạo đức đối với cán bộ theo Chủ tịch Hồ Chí Minh “phong cách quần chúng, dân chủ và nêu gương”. Thể hiện bằng việc làm cụ thể, Chi bộ cơ quan Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy đã xây dựng Kế hoạch số 120-KH/CB ngày 29/3/2022 thực hiện mô hình “Kể mẫu chuyện về Bác và sưu tầm những lời dạy của Bác Hồ để học tập và làm theo trong sinh hoạt chi bộ” giai đoạn 2021 - 2025 và tất nhiên sẽ có những nội dung trong tác phẩm “Đời sống mới” của Bác.
Nói tóm lại, tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong tác phẩm “Đời sống mới” không chỉ có giá trị to lớn trong việc xây dựng con người, xã hội Việt Nam, góp phần thực hiện thắng lợi sự nghiệp kháng chiến chống thực dân Pháp, mà còn có ý nghĩa thời sự đối với sự nghiệp đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước ngày nay, tư tưởng ấy mãi mãi tỏa sáng trong hành trình phát triển của nhân dân ta và nhân loại tiến bộ./.
Cẩm Nhan – UBKT TU