Tư tưởng Hồ Chí Minh về đức "Chính"
Có ý kiến cho rằng: Giáo dục cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư thì e cổ quá. Bác đã ôn tồn giải thích: Cái gì cũ mà tốt thì phải tiếp thu, phát triển lên. Học ở Bác điều đó, sau này chúng ta có luận điểm biện chứng và khoa học, đó là kế thừa và tiếp thu có chọn lọc tinh hoa văn hóa dân tộc và nhân loại.
Hồ Chí Minh đã viết nhiều bài về cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư. Nhiều lần Bác dạy về cần, kiệm, liêm, chính và bản thân người thực sự là tấm gương mẫu mực của cần, kiệm, liêm, chính. Bốn đức ấy, đức nào cũng quý, cũng cần, Bác Hồ đã ví như bốn mùa của trời, bốn phương của đất, thiếu một đức, thì không thành người. Với chữ “chính”, đức “chính”, Người viết: “Chính nghĩa là không tà, nghĩa là thẳng thắn đứng đắn. Điều gì không thẳng thắn, đứng đắn, tức là tà”.
Cần, kiệm, liêm là gốc rễ của chính. Nhưng một cây cần có gốc rễ, lại cần có cành, lá, hoa, quả mới là cây hoàn toàn. Một người phải cần, kiệm, liêm nhưng còn phải chính mới hoàn toàn.
Trên quả đất có hàng muôn triệu người. Song số người ấy có thể chia làm hai hạng người thiện và người ác. Trong xã hội, tuy có trăm công nghìn việc. Song những công việc ấy có thể chia làm hai thứ là việc chính và việc tà: Làm việc chính, là người thiện; Làm việc tà, là người ác.
Chữ “chính” của Bác là sự tiếp thu, phát triển chữ “chính” từ đạo Nho của Đức Khổng Tử. Đức Khổng Tử nêu học thuyết của mình cách đây khoảng 2500 năm đòi hỏi xã hội phong kiến phải thực hiện cho được “chính danh”. Danh là tên gọi của con người hoặc sự vật. Danh có thể hiểu là do con người đặt tên cho sự vật và hiện tượng khi đã hiểu biết về bản chất của nó. Chính danh nghĩa là tên gọi của sự vật thế nào thì bản chất của sự vật như thế ấy. Vua phải thật sự xứng đáng là vua có đầy đủ các tố chất về tài, đức, về trí tuệ. Các thứ bậc, quan tước được cất nhắc, bổ nhiệm cũng phải có đầy đủ những tiêu chí xứng đáng với chức vụ được bổ nhiệm (những tiêu chí ấy bây giờ tương tự như chúng ta coi đó là các tiêu chuẩn cán bộ). Trong các mối quan hệ thì trên phải ra trên, dưới phải ra dưới. Danh có chính thì ngôn mới thuận. Ngôn là biểu hiện không chỉ của Danh mà còn là biểu hiện của trí tuệ và các phẩm chất bảo đảm của chính danh. Học thuyết chính danh vô cùng sâu sắc và gần gũi với chúng ta hiện nay. Bác Hồ dạy cán bộ, đảng viên đạo làm gương, nêu gương: “Đảng viên đi trước, làng nước theo sau” cũng có cội nguồn sâu xa từ thuyết chính danh.
Thực hiện chữ “chính” theo quan niệm của Chủ tịch Hồ Chí Minh, phải bắt đầu từ tâm và phải là sự tu dưỡng bền bỉ suốt đời. Trong mối quan hệ với “liêm”; có “liêm” thì mới có “chính”; có “cần”, “kiệm” thì có “liêm”; nhưng cũng có khi có “liêm” mà chưa thể có “chính” hoàn toàn... Đức “chính” là kết quả của cần, kiệm, liêm nhưng không phải cứ thực hiện tốt cần, kiệm, liêm là có “chính”, phải thấy “chính” độc lập tương đối, đồng thời cũng là cái đức khó thực hiện nhất trong bốn đức. Trong đời sống “chính” có ý nghĩa vô cùng sâu rộng, cần thiết, nhất là trong quá trình phát triển nền kinh tế thị trường hiện nay ở nước ta.
Hiện nay, toàn Đảng, toàn dân đang tiếp tục thực hiện Cuộc vận động “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. Thực tế cho thấy, việc học tập về tư tưởng, đạo đức, phong cách của Bác thực hiện khá rộng rãi nhưng việc làm theo để rèn luyện đạo đức còn nhiều hạn chế. Trong phạm vi đức “chính”, bên cạnh những con người chân chính, mẫu mực cũng còn một bộ phận không nhỏ những người chưa “chính” trên các góc độ khác nhau như Đại dịch Covid-19 là một cuộc chiến cam go với rất nhiều khác biệt. Cùng với nhân loại, đất nước ta đứng trước một kẻ địch gần như vô hình, bất định và khôn lường. Một kẻ địch khiến cho cả thế giới ngừng trệ, tác động đến tuyệt đại đa số các quốc gia, vùng lãnh thổ và ngay cả những quốc gia giàu mạnh nhất cũng phải rúng động.Những hình ảnh đẹp xuất phát từ đức “chính”:có rất nhiều cán bộ, chiến sĩ, y bác sĩ, tình nguyện viên,…không ngại vất vả, hy sinh trên tuyến đầu chống dịch, họ đang âm thầm ngày đêm thực hiện nhiệm vụ để góp phần đẩy lùi dịch bệnh bảo vệ sức khỏe nhân dân thì bên cạnh đó Đảng, Nhà nước và nhân dân phải đối mặt với virust “suy thoái” của một bộ phận cán bộ, đảng viên tha hóa, biến chất, vun vén cho cá nhân, vô cảm trước sự mất mát của đồng bào mình, suy thoái đạo đức, lối sống, vi phạm gây hậu quả nghiêm trọng, thiệt hại tiền và tài sản của nhà nước, của nhân dân, gây bức xúc trong xã hội như trong Đại án “Việt Á và chuyến bay giải cứu…”. Từ các vụ án này chúng ta thấy được các đối tượng trong các vụ án là những người có học hàm, học vị cao từng giữ những chức vụ quan trọng trong Đảng, trong bộ máy nhà nước và nhận thức rõ các hành vi vi phạm pháp luật nhưng vẫn cố tình làm trái để vụ lợi cho cá nhân. Với những hành vi bất chính này, họ phải chịu sự trừng phạt nghiêm minh của pháp luật.
Thực hiện tốt đức “chính” thật sự là niềm tin, là sự công bằng, văn minh và ổn định chính trị, xã hội. Những điều đó đòi hỏi ở mọi người nhất là cán bộ, đảng viên, đặc biệt là những người đang giữ những cương vị, những trọng trách của Đảng và chính quyền các cấp, bởi vì, họ như những tấm gương cho cán bộ, đảng viên và nhân dân noi theo… Hiểu được và làm được chữ “Chính” trong tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh không hề đơn giản mà nó là niềm tin, là cội nguồn của sự đoàn kết, là biểu hiện của một xã hội chân chính, một Đảng chân chính, một tương lai chân chính, bắt đầu từ mỗi con người chân chính./.
Huy Tuấn